Giới thiệu P. Thạch Bàn

lễ hội tại phường thạch bàn, long biên, hà nội 2016

Giới thiệu phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội

- Địa chỉ:  Số 195 Tổ dân phố 6, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội
- Số điện thoại UBND phường: 043 6756 717

A. GIỚI THIỆU CHUNG

Thạch Bàn có lịch sử hình thành từ rất lâu, trải qua các biến cố thời gian, tên gọi có sự thay đổi. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Thạch Bàn thuộc địa giới các xã Cự Linh và Cự Đồng thuộc tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đến năm 1949 là xã Cự Linh thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 1949 đến tháng  5-1955, sáp nhập với xã Xuân Khôi thành xã Cự Khối. Tháng 6-1955, xã Cự Khối tách thành hai xã Cự Khối và Thạch Bàn (thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh). Xã Thạch Bàn trước Cách mạng tháng Tám 1945 có 895 hộ với gần 3.900 khẩu (làng Ngô 270 hộ, làng Cầu và làng Hạ Trại có 295 hộ, Ngọc Trì có 275 hộ và làng Cự Đồng có 55 hộ). Diện tích toàn xã là 1.067 mẫu Bắc Bộ, trong đó diện tích canh tác 810 mẫu, đất thổ cư 152 mẫu, còn lại là sông ngòi, ao hồ… Tháng 12-1956, Thạch Bàn tiếp nhận thôn Thượng Hội với 22 ha đất và chia tách 22 ha đất thôn Hạ Trại giao cho xã Cự Khối và xã Trâu Quỳ. Từ năm 1961 đến tháng 10-2003, thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Ngày 6-11-2003,  Chính phủ ban hành Nghị định số 132/CP thành lập quận Long Biên, xã Thạch Bàn thuộc huyện Gia Lâm chuyển thành phường Thạch Bàn thuộc quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Đời sống văn hóa, tinh thần và tín ngưỡng của nhân dân nơi đây cũng rất phong phú. Những công trình đền, đình, chùa... ở Thạch Bàn mang đậm giá trị văn hóa, tâm linh và kiến trúc đặc sắc.

Đền Trấn Vũ (Ngọc Trì) nơi đây đặt pho tượng đồng Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ cao 3,8m, chu vi 8m, nặng 4 tấn. Lễ hội Đền Trấn Vũ (Thạch Bàn) tổ chức vào ngày 3 -3 âm lịch hàng năm; Trò kéo co ngồi ở hội làng Ngọc Trì xưa là một trò rất đặc sắc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận (Quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL, ngày 19/12/2014), kéo co ngồi là loại hình "Tập quán xã hội và tín ngưỡng" được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đình, nghè thôn Ngô có quan hệ mật thiết với nhau thông qua việc thờ cúng, hội hè và tế rước. Việc thờ cúng các nhân vật lịch sử ở đây đã được sử sách và dân gian truyền từ đời này sang đời khác đó là: Linh Lang, Lã Lang, Phương Dung Hoàng Hậu và Cẩn Hạnh Công chúa (thời Lý), làng mở hội vào ngày 10 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm.

Đình Cự Đồng mang đậm dấu ấn của nền văn hoá Kinh Bắc. Đình hiện nay còn một số di vật cổ: hai con chó đá, tấm bia cổ, hai ngai có duệ hiệu thờ thánh Linh Lang và Trịnh Quế Hoa Công chúa. Năm 2007, Đình Cự Đồng được xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật; năm 2014 được UBNB quận Long Biên đầu tư xây dựng lại. Làng mở hội vào ngày 11 tháng 2 âm lịch hàng năm.

Đình thôn Cầu trước là Cầu Bây) thờ vị thần là tướng Lã Lang Đường, ở Triều Lê, Triều Nguyễn có sắc phong, song đầu năm 1947 bị giặc Pháp đốt, sau kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân đóng góp tiền của xây dựng lại để thờ tự. Năm 2007, đình, chùa thôn Cầu, được xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật, năm 2010 được UBND quận Long Biên đầu tư xây dựng lại khang trang. Chùa Thạch Cầu Bây được gắn biển di tích cách mạng kháng chiến. Làng mở chính hội vào ngày 11-2 âm lịch với tục chém lợn độc đáo.

Lễ hội ở di tích Thượng Hội mỗi năm được mở một lần vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Là một làng quê gắn liền với văn minh lúa nước với tín ngưỡng thờ Phật, thờ Mẫu truyền thống.

Phường Thạch Bàn là một trong 14 phường của quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Phía Bắc giáp với phường Sài Đồng; phía Đông giáp với thị trấn Trâu Quỳ, phía Nam giáp phường Cự Khối, phía Tây giáp phường Long Biên. Diện tích đất tự nhiên 520,02 ha. Dân số toàn phường tính đến tháng 8/2015 có 4542 hộ dân 18.077 nhân khẩu được chia thành 17 tổ dân phố; Trên địa bàn Phường 6 trường học, gồm trường Trung học phổ thông (tổ dân phố 12), Trường trung học cơ sở Thạch Bàn (tổ dân phố 4), trường Tiểu học Thạch Bàn A (Tổ dân phố 10), trường tiểu học Thạch Bàn B (tổ dân phố 7), trường mầm non Thạch Bàn (tổ dân phố 12) và trường mầm non Hoa Mai (tổ dân phố 6); Trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực; hệ thống đường giao thông, chiếu sáng được đầu tư cơ bản, đồng bộ như đường Thạch Bàn, đường 40 m...;

Phường Thạch Bàn có vị trí địa lý nằm trên tuyến giao thông huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận, cả giao thông đường bộ và đường thủy như quốc lộ 5 và sông Hồng, có điều kiện thúc đẩy nền kinh tế của phường phát triển theo hướng thương mại dịch vụ. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự kỷ cương, văn minh đô thị, sự nghiệp văn hoá xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ và Chính quyền phường.

Trong những năm qua, Phường đã tập trung triển khai thực hiện, cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của phường, nổi bật trên các lĩnh vực chủ yếu:

- Phát triển kinh tế: dịch vụ thương mại phát triển nhanh, đến hết năm 2014 số hộ tham gia hoạt động dịch vụ thương mại là 1035 hộ (tăng 35,3 lần so với năm 2004); số doanh nghiệp tư nhân, văn phòng đại diện 109 doanh  nghiệp (tăng  7,4 lần so với năm 2004); thu ngân sách hàng năm đạt chỉ tiêu Quận giao, tổng số thu ngân sách 2010 – 2014 đạt 94,648 tỷ đồng, tăng 30,4 % kế hoạch; Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác cấp giấy chứng nhận QSD đất, (từ năm 2010 đến hết tháng 8 năm 2015 đã cấp 1646 giấy CNQĐ đất); Công tác quản lý đô thị đạt kết quả; có trên 95 % tuyến tuyến phố chính và các tuyến ngõ ngang được thiết lập hồ sơ quản lý đô thị. Tổ chức ký cam kết với trên 90% hộ dân tuyến phố Thạch Bàn, phố Ngọc Trì  về chấp hành các quy định về trật tự đô thị; Công tác giải phóng mặt bằng 26 dự án, (từ năm 2010 đến tháng 5/2015)  diện tích thu hồi 30,83 ha; với 2677 lượt hộ, thực hiện đúng tiến độ, không có khiếu kiện phức tạp đông người, vượt cấp. Tổng số hộ xây dựng (từ năm 2010 đến hết tháng 8 năm 2015) có phép là 1.399/1.401 hộ đạt 99,85 %; tỷ lệ hộ xây dựng đóng thuế xây dựng đạt 99,44 %.

- Lĩnh vực văn hóa xã hội, tập trung lãnh đạo nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân đi đôi với việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; kết quả tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trung bình hàng năm 89,62 %, tỷ lệ Tổ dân phố văn hóa đạt 77,4 %. Giảm 66 hộ nghèo, số hộ nghèo 37 hộ (0,87 %). Có 4/4 trường đạt Chuẩn Quốc gia; phường giữ vững chuẩn quốc gia về y tế cơ sở.

- Công tác quốc phòng, an ninh được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng công an, quân sự phường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

- Công tác cải cách hành chính, trọng tâm việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện quy định giảm họp nhằm xây dựng, nâng cao năng lực trách nhiệm, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ; phường đạt chuẩn "Một cửa" trong giải quyết thủ tục hành chính; từ năm 2010 – 2014, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính: tiếp nhận 69.305 hồ sơ; đã giải quyết 69.265 (đạt 99,95 %); Kết quả tiếp nhận và giải quyết đơn thư trong 5 năm là 200 (khiếu nại, tố cáo 04, đơn dân nguyện 196) đã giải quyết hòa giải thành 177 (khiếu nại, tố cáo 04, đơn dân nguyện 173) đạt tỷ lệ 88,5 %; số vụ việc Tổ hòa giải tổ dân phố tiếp nhận hòa giải 184, kết quả hòa giải thành 147 đạt tỷ lệ 79,89 %.

- Hoạt động của UBMTTQ, các đoàn thể đạt kết quả; Trong 5 năm, MTTQ, các đoàn thể đã tín chấp vay vốn ngân hàng với tổng số vốn 12,77 tỷ đồng; cho 674 lượt hộ vay vốn; nguồn vốn tại chỗ 613 triệu đồng, cho 173 hộ vay không lấy lãi. UB MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội tổ chức giám sát, tham gia ý kiến nhận xét đối với 269 đảng viên, là cán bộ, công chức  thực hiện Quy định 76-QĐ/TW ngày 15/6/2000 của Bộ Chính trị. tổ chức hội nghị góp ý kiến vào công  tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, quản lý điều hành của chính quyền phường hàng năm.

- Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo. Thực hiện tốt nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với mô hình chi bộ 4 tốt, đảng viên nêu gương; 26/26 chi bộ trực thuộc đã xây dựng mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 10 năm 2013. Thực hiện các chuyên đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; chuyên đề kiểm tra, giám sát; công tác dân vận của hệ thống chính trị đạt kết quả. Đảng bộ phường liên tục đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

MỘT SỐ BÀI VIẾT VỀ PHƯỜNG THẠCH BÀN:

1. Lễ hội đình Cự Đồng
Ngày đăng 06/09/2015


Từ nội thành Hà Nội qua cầu Chương Dương xuôi theo quốc lộ 5 hướng Hà Nội – Hải Phòng là tới khu di tích lịch sử văn hóa Cự Đồng.
Cự Đồng có lệ mở hội vào ngày 11 tháng 2 âm lịch gọi là Hội Đình Cự Đồng. Đình Cự đồng thuộc Tổ 1 phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội là di tích thờ vị phúc thần Thành Công Tương Liệt đại vương và bà Quế Hoa công chúa họ Đặng. Thần tích vị phúc thần này còn được nói tới trong hội làng Trạm (phường Long Biên). Sở dĩ tại làng Cự Đồng cũng lập đền thờ ông là theo truyền thuyết sau khi giúp Hai Bà Trưng đuổi giặc Tô Định nhà Hán thành công ông được giao cai quản vùng đất Gia Lâm (cụ thể là Trang Cổ Linh trong đó có làng Cự Đồng). Vì vậy mà mấy làng quanh trang Cổ Linh xưa đều thờ ông. Do đó mà hội làng có nhiều nghi lễ mang dấu ấn của một vùng quê Việt Nam.
Nghi lễ chính là nghi lễ Mộc dục: Đây là nghi lễ đầu tiên của lễ hội, vì trước khi lễ Thánh thì tượng Thánh phải được sạch sẽ. Sau đó đội tế sẽ làm lễ xin phép mở hội. Nghi lễ này là nghi lễ không thể thiếu trong lễ hội của làng. Sau nghi lễ Mộc dục là nghi lễ tế Thánh để tưởng nhớ công đức của ngài.
Sau phần nghi lễ là các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao diễn ra trong lễ hội như cờ tướng, giao lưu văn nghệ. Đặc biệt là hoạt động văn nghệ trong lễ hội nổi tiếng trong khu vực. Các liền anh, liền chị, các hạt nhân văn nghệ trên địa bàn và vùng lân cận đến đây để học hỏi giao lưu học hỏi thêm những cái hay, cái đẹp của nhau.
Sau hội tháng 2 thì đến ngày 22 tháng 10 âm lịch làng lại sửa lễ để tế Thánh tưởng nhớ đến ngày hóa của người./.
2. Lễ hội Đình, Nghè Ngô - tổ dân phố 8, 9, 10, 11 phường Thạch Bàn
Ngày đăng 06/09/2015

Là một trong những làng cổ của xã Cự Linh xưa (nay là phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) với bề dày lịch sử và truyền thống được lưu giữ qua các di sản văn hóa. Một trong những di sản văn hóa đó là Đình, Nghè thôn Ngô.
 
Đình thôn Ngô thờ Linh lang đại vương và Lã Lang đại vương. Truyền thuyết kể lại: Linh Lang và Lã Lang là 2 vị tướng nhà Lý. Trong trận tuyến sông Cầu, Lã Lang bị thương phải đưa về hậu cứ cứu chữa. Khi đi qua Ngô trại đươc 2 mẹ con bà bán hàng nước ( vốn là Phu nhân và Công chúa cải trang) nhiệt tình cứu chữa. Khỏi vết thương, trên đường ra trận, Linh Lang và Lã Lang qua Ngô trại để gặp phu nhân, công chúa và được phu nhân cẩu nguyện thiên địa cho 2 vị để thắng giặc. Quả nhiên khi 2 vị ra trận toàn thắng, sau đó 2 vị trở vê Ngô trại để tạ ơn thì được tin Phu nhân và Công chúa đã mất. Hai vị bèn tâu với triều đình về công lao của Phu nhân và Công chúa. Nhớ công ơn đó, triều đình đã phong sắc cho hai vị là:'' cẩn tiết Phương Dung phu nhân"và" Hạnh Hoa công chúa"và ban cho nhân dân Ngô trại lập nghè tôn thờ mãi mãi. Tưởng nhớ công lao xả thân vì nước của 2 vị Linh Lang và Lã Lang, sau này nhân dân làng Ngô dựng đình đã tôn thờ 2 vị làm Thành hoàng làng. Như vậy đình và nghè Ngô có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tục hèm làng Ngô kiêng húy khoai lang đọc là khoai dây và không gọi nước lã.

Hội làng Ngô trước đây được tổ chức trong 5 ngày (từ ngày mồng 10 đến ngày 15 tháng hai âm lịch). Hiện nay do điều kiện nên chỉ tổ chức trong 3 ngày (từ ngày mồng 10 đến ngày 12 tháng hai âm lịch). Để chuẩn bị vào hội, khoảng từ ngày mồng Một tháng Giêng đến mồng 7 tháng Giêng, các cụ trùm, hương, phe giáp họp bàn. Cũng trong khoảng từ ngày mồng 5 đến mồng 10 tháng Giêng, giáp đăng cai cử một cụ có phẩm hạnh, song toàn làm chủ tế để rước văn tế về đình. Bài văn tế được sử dung trong suốt 5 ngày hội. Làng có 4 giáp: Lẻ, Nam, Đông, Đình, mỗi giáp cử 5 cụ trong ban tế và tổ chức tập tế rất cẩn thận trước hội khoảng 15 ngày. Đám rước kiệu là những nam thanh được chọn rất kỹ, có sức khỏe, chưa vợ, tuổi đời từ 18 đến 22. Khi được chọn vào rước kiệu họ rất tự hào, phấn khởi và ăn ở tại đình trước hội một tuần để chay tịnh

Trong ngày họp bàn mở hội, các phe giáp tu sửa 2 đến 3 yến gạo nếp thổi xôi và thủ lợn làm lễ tế Thánh. Các phe giáp cử các giai nhân làm cỗ, các giai nhân là những người tuổi từ 49 đến 55, phục vụ hội trong 5 năm. Theo lệ làng thì 52 tuổi mới chính thức lên lão. Lễ Thánh xin mở hội phải xin đài âm dương, âm dương sấp ngửa là Thánh đã chứng hội. Lễ Thánh xong, mọi người thụ lộc tại đình.

Hội làng Ngô không rước nước mà chỉ rước kiệu từ đình lên nghè và ngược lại trong một cung đường khoảng hơn cây số. Đoàn rước kiệu với sự tham gia của cả làng, chỉ để lại một số người trong phe giáp đăng cai ở lại. Kiệu rước có rước ngai, bài vị từ nghè về đình để làm lễ nhập tịch, Sau này, dân làng không rước ngai, bài vị và chuyển sang rước bát hương. Đoạn đường rước kiệu tuy không xa nhưng chí ít cũng phải đến giờ Ngọ, kiệu mới rước về đình. Số lượng trai rước kiệu bát cống phải có số lương gấp đôi, gấp ba để thay phiên. Họ không thấy mệt mà chi thấy thăng hoa phấn chấn như nhập đồng. Kiệu rước không đi thẳng từ đình đến nghè mà thường rẽ vào các địa danh cổ trong làng như vào chùa bái Phật hoặc rẽ vào nơi mà các cụ trong làng truyền lại là những địa chỉ liên quan đến nơi khao quân, mộ tướng của Linh Lang và Lã Lang trước đây chuẩn bị tập hợp lực lượng đánh giặc Tống. Kiệu rước xoay ngang, xoay dọc, nghiêng nghiêng trầm bổng tưởng là đổ nhưng nâng nâng khó tả. Nhiều lúc kiệu quay tròn, xô nghiêng tiến lui bất thường, lúc chạy dọc lên trước, lúc xoay lùi cuối đoàn. Trên cung đường rước lúc nào cũng lao lao, xô đẩy trong tiếng reo hò của đoàn người. Hiện tượng đoàn rước như thê tưởng là hỗn độn nhưng đó là tiêng lao xao từ thời hỗn mang vong về, tiếng thẩm thì của tổ tiên vọng đến. Đoàn rước lúc đầu còn hỗn độn, chưa có trật tự, sau đến nghè và đình thì trật tự nghiêm trang. Hiện tương này mang tâm tưởng của thời hỗn mang, sau đi vào trật tự như chu trình thời vụ của cư dân nông nghiệp. Thông qua đó như gợi ý với trời đất, quỷ thần hãy ban đến cho dân làng những mùa màng bội thu.

Trong mấy ngày hội, dân làng có tổ chức các trò chơi dân gian như đánh cờ, kéo co…trong các ngày tiếp theo, lẩn lượt các phe giáp và dân làng theo chức vị tổ chức lễ Thánh và thụ lộc tại đình. Ngày 15 tháng hai là ngày rã đám nhân dân tổ chức rước rã và tế hoàn cung.Trong điểu kiện hiện nay cẩn thiết phải bảo tồn những nghi thức tiêu biểu nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của địa phương./.
3. Lễ hội đình Thạch Cầu Bây - Phường Thạch Bàn
Ngày đăng 06/09/2015 |

Thạch Cầu Bây xưa là một làng nhỏ nằm ven sông Cầu Bây (một nhánh nhỏ của dòng Nghĩa Trụ, thuộc xã Cự Linh, Tổng Cự Linh, nay thuộc phường Thạch Bàn – Long Biên – Hà Nội). Đình Thạch Cầu Bây không nổi trội về mặt kiến trúc – nghệ thuật, nhưng lễ hội ở đây thì lại chứa đựng những giá trị văn hóa mà nhiều học giả rất quan tâm…
 
Thạch Cầu Bây cũng như nhiều làng quê khác, là một làng thuộc vùng đất thấp, nên nhìn từ góc độ nông nghiệp, sông cầu Bây là dòng tiêu nước, từ đó mà nảy sinh ra những ý nghĩa liên quan trong lễ hội. Thông thường, ở nhiều làng xung quanh, cũng một không gian và dòng chảy nhỏ như vậy, cũng tiêu nước, nhưng thường gắn với Đức Linh Lang, còn ở khu vực Thạch Cầu Bây lại không thấy có Linh Lang, mà lại thờ hai anh em Lã Lang Đường, được coi là tướng của Đinh Tiên Hoàng và mẹ con Phương Dung Công chúa, đồng thời cũng thờ Cao Sơn và Quý Minh... Qua hệ thống thần linh này đã nổi bật lên tinh thần dựng nước từ các vị anh hùng văn hóa nảy sinh ở thời nguyên thủy và các vị có tính chất anh hùng dân tộc, có công chống phá hoại sản xuất... Khu vực này như là một trong những tâm điểm giao lưu văn hóa giữa miền Thượng và miền Biển. Cụ thể là, với Cao Sơn, chắc chắn gắn với núi rừng, còn theo sự tích thì Quý Minh như ở ngoài biển vào, mà hiện nay còn rất nhiều đền thờ Quý Minh ở vùng Ninh Bình và ven biển. Mặc dù cả Cao sơn và Quý Minh đều là hóa thân của Tản Viên Sơn Thánh ở Ba Vì để hợp thành "Tam vị nhất thể". Nhưng, sự phân hóa của truyền thuyết đã cho thấy, ba anh em như phản ảnh về sự hội tụ các tộc người miền núi, miền biển, để ở vùng Ngã ba Hạc, gồm cả Phú Thọ và Sơn Tây, đã hình thành hệ tộc chủ thể là người Việt - Mường, mà cũng từ đây đánh dấu sự chia tách từng bước thành hai tộc Kinh và Mường, ở vùng Thạch Cầu Bây, lại đánh dấu sự hội nhập của các cư dân này - như phản ánh một hình ảnh nào đó gắn với sự hôi nhập lại của hai tộc này...

Lễ hội của làng Thạch Cầu Bây thường được tổ chức vào ngày mồng mười tháng hai, trong tháng trọng xuân, mang đầy dương khí, thúc đẩy cho muôn loài, muôn vật phát triển, cho lòng người hưng khởi để mở hội Xuân. Hội làng Thạch Cầu Bây cũng có tế thần, rước kiệu và đi rước nước về làm lễ mộc dục... như bao lễ hội khác. Song, đáng quan tâm hơn cả là tục chém lợn tế thẩn và bắc ông Mãnh hổ...

Hiện nay, những ý nghĩa sâu xa của thời xưa cũ không còn đọng lại nhiều ở trong tâm thức của người dân địa phương và của nhiều người quan tâm tới vấn đề này. Trên quan điểm dân tộc học - văn hóa so sánh, tạm thời, chúng ta có thể rút ra được mấy ý nghĩa sau:

Về tục bắc ông Mãnh hổ: Có thể nghĩ rằng, khi người Việt xuống khai phá vùng châu thổ thấp, thì nơi đây còn là rừng rậm và đẩy thú dữ cho nên, tục bắt ông Mãnh hổ ở đất Gia Lâm (đất rừng lầy lội), như phản ánh vể cuộc khai phá vĩ đại trên con đường tiến về phía biển. Kết quả, mãnh hổ bị bắt, có nghĩa, sự nghiệp lao động vĩ đại vào cuối thời nguyên thủy đó đã thành công... Một ý nghía khác, Mãnh hổ cũng biểu tượng cho thần linh cai quản mặt đất, việc chinh phục ông Mănh hổ cũng đồng nhất với việc chinh phục đất đai của tổ tiên ta. Về sau này, khi một sổ nhà Nho thôn giã đã chiếm vị thế trí thức dân gian, thì Mãnh hổ như phần nào còn gắn với học vị Cử nhân để nêu lên ước vọng của người Thạch Cầu Bây về việc học hành khoa cử... Vì ngoài ý nghĩa Long môn, Hổ bảng thì hổ còn là hiên thân của học vị Cử nhân trong nhận thức phi trí bất hưng ... Lễ hội là sự kết tụ văn hóa - tâm linh qua nhiều đời chứ không chỉ phản ánh qua một vài trò chơi đơn giản như người ta thường nghĩ..!

Về tục chém lợn: Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, xưa kia ông/anh lợn tế, thường là lợn đen tuyền, được nuôi hết sức cẩn thận theo sự phân công của làng, sao cho đủ sự to béo ở một mức nhất định... Có thể, người xưa quan niệm rằng, toàn bộ con lợn đen tuyền như đại diện (tạm coi là biểu tượng) cho đất và nước. Lông lợn phải bóng, nhất là lông gáy phải dài, mới đủ tư cách tê thần. Tới giờ đã định, lợn được thả ra, thúc đẩy cho chạy một cách vô tổ chức, trong tiếng reo hò vang dậy của những người tham gia hội. Và, sự reo hò ầm ỹ lộn xộn ấy chỉ được chấm dứt khi lợn đã bị chém. Tạm có thể hiểu sự kiện này như sau: trong các lễ hội nông nghiệp cổ truyền, người dân làng thường quay trở về với thời gian chiêm bao ở buổi hỗn mang, đó là hiện tượng mất trật tự như trong lễ hội cướp kén, cướp cầu, cướp gậy mà ở đây là đuổi lợn. Sự lao xao vọng về thời nguyên thủy ấy chỉ được chấm dứt khi đối tượng (lợn) đã bị hạ gục, đổng nhất với ý nghĩa mà con người muốn đặt cược với chư vị thần linh rằng: Hôm nay, giờ này, thời hỗn mang đã qua rồi, hỡi chư vị thần linh, hãy theo gợi ý của chúng tôi đây, tạo cho thiên thời, địa lợi đi vào trật tự để chúng tôi có vụ mùa bội thu... Người ta tin tưởng, sau khi chém lợn thì thiên nhiên và mùa màng, dưới sự bảo trợ của Thành hoàng làng sẽ như một đảm bảo dẫn đến hạnh phúc cho muôn nhà, Hạnh phúc ấy, còn được diễn ra bằng cách vác lợn bị chém chạy xung quanh làng theo những con đường nhất định, để máu của nó vương vãi khắp nơi, vì người xưa quan niệm rằng, máu là nguồn sinh khí (từ thời nguyên thủy, khi con người lấy vật nhọn đâm vào con vật, thấy chất màu đỏ chảy ra, chảy hết thì con vật chết, nên họ coi cái chất đỏ đó (máu) là sức sống, tức sinh khí...). Ước vọng theo tư duy liên tưởng qua tục này là mong sinh khí tràn về cho cả làng. Tiếp sau, người ta làm một lễ kính cáo với Thành hoàng làng qua bát tiết có chứa những lông gáy lợn trong tục tế mao huyết (yết), với ý nghĩa như đặt cược với các vị tối thượng thẩn của làng rằng: hãy làm cho đất đai phì nhiêu như bát tiết và cây trồng mọc tốt như lông gáy lợn... Cuối cùng, bát tiết có lông gáy lợn được đem ra chôn trước mặt ông hổ của bức bình phong, như với ý nghĩa, thần và người đã thống nhất với nhau vể ước vọng nông nghiệp cao quý như lời khấn và nay trao cho thần hổ, tức thần linh cai quản mật đất thực hiện ý đồ thiêng liêng này, để con người được những vụ mùa bội thu trong năm... Sau đó, người ta làm sạch đầu và đuôi lợn, để sống và đem lễ thần, rồi chia nhau cùng thụ hưởng...

Như vây, hội đình Thạch Cầu Bây ở quận Long Biên là một vẻ đẹp văn hóa vượt lên trên tất cả những hình thức mà nó thể hiện để phản ánh một ước vọng truyền đời của tổ tiên ta ngày trước./.
4. Lễ hội di tích Thượng Hội
Ngày đăng 06/09/2015 |

LỄ HỘI DI TÍCH THƯỢNG HỘI
Về Thạch Bàn những ngày đầu xuân là về với mảnh đất giầu truyền thống văn hóa, nơi có nhiều lễ hội gắn với các di tích lịch sử văn hóa, các diễn xướng dân gian gắn với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", các lễ hội không chỉ đơn thuần mang yếu tố tín ngưỡng tâm linh mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần, là nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm của người dân và cộng đồng.

Một trong những lễ hội mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống đầu xuân của Thạch Bàn là lễ hội di tích thôn Thượng Hội (nay là tổ 12 phường Thạch Bàn). Lễ hội ở di tích Thượng Hội mỗi năm được mở một lần vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Là một làng quê gắn liền với văn minh lúa nước với tín ngưỡng thờ Phật, thờ Mẫu truyền thống. Nên như bao lễ hội khác lễ hội di tích Thượng Hội được mở đầu là nghi thức tế mộc dục – là thủ tục mở cửa, lau rửa các đồ tế lễ để chuẩn bị cho buổi tế lễ chính thức. Trong ngày chính hội nghi thức tế được thực hiện rất trang trọng và được phân thành các tuần lễ khác nhau: như tuần dâng hương, tuần dâng hoa….mong muốn thỉnh cầu và tạ ơn thần thánh, trời đất….Đặc Biệt trong lễ hội của di tích là ngoài phần lễ còn có phần hội với các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ… Qua đó góp phần thắt chặt mối dây đoàn kết cộng đồng để lao động sản xuất và phát triển kinh tế.

Lễ hội di tích Thượng Hội là một trong những lễ hội đã góp phần bảo lưu, phục hồi những nép đẹp truyền thống trong văn hóa cộng đồng, hướng về truyền thống, nhắc nhở các thế hệ cháu con trong làng giữ gìn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Nâng cao tinh thần cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Đó cũng là những nét đẹp văn hóa mang nhiều ý nghĩa giáo dục truyền thống, đem lại không khí vui tươi, lành mạnh cho người dân sau những ngày lao động./.
5. Đền Trấn Vũ - Lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc của dân tộc
Ngày đăng 05/09/2015

Cách trung tâm Hà Nội (Hồ Hoàn Kiếm) xuôi theo đường đê trị thủy sông Hồng về phía Nam 5km chúng ta đến với khu di tích cấp quốc gia đặc biệt với nghi thức dân gian độc đáo và đặc sắc. Đó là di tích đền Trấn Vũ nằm trên địa phận phường Thạch Bàn, quận Long Biên – Hà Nội. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia năm 1990 (quyết định số 1539/QĐ ngày 27/12/1990 của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL)

Theo sách "Thăng Long cổ tích khảo", "Hà Thành linh tích cổ lục" đã từng nhắc đến các di tích, điển cố của đất Thăng Long xưa với những vị thánh, thần tiêu biểu của thần điện Lão Giáo như: Đế Thích, Huyền Thiên Thượng Đế…

Theo quan niệm của Đạo Giáo, thần Huyền Thiên là vị thần có nhiệm vụ trấn giữ phương Bắc, người xưa cho rằng phía Đông có thần Thanh Long biểu hiện cho mùa Xuân, phía nam có thần Chu Tước biểu hiện cho mùa Hạ, phía Tây có vị thần Bạch Hổ biểu hiện cho mùa Thu và phía Bắc thể hiện cho mùa Đông.

Thần Huyền Thiên được thờ ở nhiều nơi: Trấn Vũ Quán ở Quán Thánh – Ba Đình, Huyền Thiên Đại Quán ở Đông Anh, Đền Trấn Vũ ở Thạch Bàn…Bản thân truyền thuyết về Huyền Thiên cũng có nhiều biến thể khác nhau. Có truyền thuyết cho rằng vào đời Tùy Khai Hoàng (617), sau khi tu luyện đắc đạo tại núi Vũ Đương, Huyền Thiên Thượng Đế đi vi hành nhiều nơi để tiễu trừ yêu ma cứu giúp dân lành. Để tưởng nhớ công ơn của ngài nhân dân đã lập đền để phụng thờ.

Theo tài liệu hán nôm và văn bia còn lưu lại thì đền Trấn Vũ – Thạch Bàn được xây dựng từ rất lâu từ đời Tùy Khai Hoàng. Theo dòng thời gian quán đã được nhân dân trùng tu nhiều lần: năm Cảnh Hưng thứ 8 các quan đã cùng với nhân dân Ngọc Trì đúc lại tượng đồng và phụng sự cho đến ngày nay, đến năm Khải Định Nguyên niên ông Nguyễn Trinh Cán một vị Tiên chỉ của làng đã thương thảo với các vị chức sắc trong làng, căn cứ theo thánh tích mà thuê thợ dùng sơn ta pha thành mầu đen sậm để sơn, bả lại tượng nhằm bảo vệ cho muôn đời sau tưởng nhớ và thờ phụng…

Đền Trấn Vũ bên cạnh ý nghĩa của một kiến trúc di sản tôn giáo thì, giá trị tiềm ẩn trong đền là các văn bia cổ, các pho tượng, đồ thờ cổ…đặc biệt là pho tượng đồng đúc nguyên khối, thì tại đây còn có một giá trị phi vật thể cấp quốc gia: đó là ý nghĩa của nghi thức kéo co ngồi – nghi thức diễn ra trong lễ hội đền Trấn Vũ vào ngày mùng 3 tháng 3 hàng năm. Tuy lễ hội đền Trấn Vũ được tổ chức trong 3 ngày song đã toát lên được nét đẹp truyền thống, làm cho những người dân ngày càng thắt chặt thêm mối quan hệ xóm làng thân thuộc…

Với tính chất của một ngôi đền thờ thần điện Lão Giáo, lại mang trong mình nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Sự kết hợp hài hòa trong kiến trúc và tôn giáo, tín ngưỡng đã làm cho đền Trấn Vũ trở thành một điểm văn hóa độc đáo và đặc sắc./.

Ngày 19/12/2014 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL ngày 19/12/2014 công nhận kéo co ngồi lễ hội Đền Trấn Vũ là loại hình "Tập quán xã hội và tín ngưỡng" được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.


Nghi thức kéo co ngồi – nghi thức diễn ra trong lễ hội đền Trấn Vũ


Nghi thức kéo co ngồi – Nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét